Trẻ sơ sinh bị táo bón mẹ phải làm gì?

08/12/2022
Share

Táo bón là một trong những rối loạn tiêu hóa hay gặp ở trẻ sơ sinh. Nếu để tình trạng này kéo dài sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bé. Gặp phải trường hợp này, nhiều mẹ thường tỏ ra bối rối và lo sợ vì chưa có nhiều kinh nghiệm giải quyết vấn đề này. Một vài chia sẻ dưới đây chắc chắn sẽ cực kỳ hữu ích cho các mẹ khi nuôi con nhỏ.

Dấu hiệu nhận biết táo bón ở trẻ sơ sinh

Táo bón ở trẻ sơ sinh là điều thường gặp nhưng không phải ai cũng đủ hiểu biết để nhận biết tình trạng này ở con trẻ. Dưới đây là một số dấu hiệu giúp bạn nhận biết bệnh ở trẻ.

Bé giảm tần suất đi ngoài

Nếu số lần đi ngoài của bé ít hơn so với bình thường, có khi 1-2 ngày mới đi, thậm chí vài ngày đi tiêu một lần thì rất có thể trẻ đang bị táo bón.

Bé căng thẳng khi đi tiêu

Khi đi vệ sinh, trẻ phải gồng mình, dùng sức để rặn phân ra ngoài, kèm theo khuôn mặt đỏ bừng và nhăn nhó là một trong những dấu hiệu trẻ sơ sinh bị táo bón.

Trẻ bị trướng bụng và đầy hơi

Khi táo bón xảy ra, hệ tiêu hóa của trẻ cũng bị ảnh hưởng, có thể gây chướng bụng, đầy hơi, đặc biệt xì hơi nặng mùi hơn nhiều so với bình thường.

Hình thái của phân

Khi trẻ bị táo bón, phân thường rất cứng, rời rạc thành từng viên giống như phân thỏ hoặc phân dê. Ngoài ra, màu sắc của phân sẫm đen hoặc xám, phân khô rắn, xuất hiện vết nứt trên bề mặt do không có độ ẩm.

Mùi phân trở nên nặng hơn theo mức độ do tích tụ lâu ngày trong đường ruột và nếu nhận thấy bé đi ngoài có kèm lẫn máu trong phân, điều này chứng tỏ hậu môn của con bị tổn thương do táo bón.

Trẻ bỏ bú, khó chịu

Tình trạng táo bón khiến bé khó chịu, biếng ăn, mệt mỏi, có thể bỏ bú và thường xuyên quấy khóc.

Nguyên nhân bệnh táo bón ở trẻ sơ sinh

Táo bón ở trẻ sơ sinh có rất nhiều nguyên nhân, tuy nhiên có một vài nguyên nhân chính khiến bé gặp phải tình trạng này.

Do chế độ ăn uống của mẹ

Do trẻ sơ sinh còn ít tháng tuổi nên hầu như vẫn đang trong tình trạng bú sữa mẹ. Vì thế, chế độ ăn uống của mẹ ảnh hưởng rất lớn đến dinh dưỡng cũng như tình trạng bệnh lý của con. Việc mẹ ăn nhiều đồ cay nóng, đồ khó tiêu, ít chất xơ, nhiều đạm và ăn uống thiếu dinh dưỡng, chế độ ăn ngủ không hợp lý khiến các chất dinh dưỡng nạp vào cơ thể bé cũng khiến bé dễ bị táo bón.

Để bé không bị táo bón, mẹ nên chú ý ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh hay các loại củ quả tươi. Đây là những loại thực phẩm giàu khoáng chất và vitamin có lợi cho sức khỏe. Bên cạnh đó, việc bổ sung sữa chua thường xuyên cũng khiến lợi khuẩn của mẹ tốt hơn.

Dùng sữa công thức không phù hợp

Trong trường hợp mẹ không đủ sữa nuôi con, có thể sử dụng sữa công thức để cung cấp dinh dưỡng cho bé. Tuy nhiên, nếu sữa công thức không phù hợp, chứa các thành phần khó tiêu, phân tử đạm lớn… có thể làm cho trẻ sơ sinh bị táo bón.

Bên cạnh đó, việc pha sữa công thức không đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất, ví dụ như pha sữa quá đặc cũng là nguyên nhân khiến trẻ bị táo bón.

Do bệnh lý

Bên cạnh những nguyên nhân khách quan bên ngoài thì việc bé bị táo bón đôi khi là do bệnh lý xuất phát từ chính cơ thể bé. Do tổn thương thực thể ở đường tiêu hóa hoặc các dị tật bẩm sinh như: Đại tràng bị phình to (bệnh Hipschsprung), bệnh suy giáp trạng (bệnh Myxoedeme) khiến trẻ bị táo bón sớm.

Trẻ sơ sinh bị táo bón mẹ phải làm gì?

Thay đổi chế độ dinh dưỡng cho trẻ

Với những trẻ đang bú mẹ hoàn toàn, cách trị táo bón cho trẻ sơ sinh là thay đổi chế độ dinh dưỡng của mẹ, như sau:

+ Tăng cường bổ sung chất xơ thông qua các loại rau xanh đậm (súp lơ xanh, cải xoăn, bắp cải, xà lách, bông cải xanh,) hoặc củ quả màu vàng cam (cà rốt, bí đỏ, ớt chuông, chuối).

+ Uống nhiều nước, từ 2 – 3 lít mỗi ngày để hỗ trợ duy trì nguồn sữa tốt cho hệ tiêu hóa của trẻ, giúp con đi tiêu dễ dàng với phân mềm xốp, không thô cứng gây đau rát và tổn thương hậu môn.

+ Bổ sung sữa chua thường xuyên để tăng cường lợi khuẩn, đồng thời tăng khối lượng chất xơ trong sữa mẹ cho trẻ.

Với trẻ đang trong giai đoạn ăn dặm thì sẽ rất dễ để thay đổi chế độ dinh dưỡng cho bé. Hãy chủ động cho bé ăn những món ăn có nhiều chất xơ, giàu khoáng chất cùng việc kết hợp cho bé uống thật nhiều nước. Việc này khiến phân trong cơ thể bé mềm ra và sẽ dễ bị đào thải ra ngoài hơn. Thay đổi chế độ dinh dưỡng cho bé cũng là biện pháp lâu dài và hiệu quả để phòng chống tình trạng táo bón ở trẻ sơ sinh.

Với những trẻ uống sữa công thức, để giảm nguy cơ trẻ bị táo bón, rối loạn tiêu hóa, mẹ nên chọn sữa có đạm Whey giúp trẻ dễ dàng hấp thu, tiêu hóa tốt và bổ sung nhiều chất xơ FOS.

Ngâm hậu môn bằng nước ấm

Đây được coi là biện pháp trị táo bón khá hiệu quả đặc biệt với những trẻ lười ăn và hay quấy khóc. Nước ấm có tác dụng kích thích cơ vòng hậu môn giúp bé sơ sinh dễ đi ngoài hơn. Thực hiện việc ngâm hậu môn vào nước ấm khoảng 1-2 lần/ngày, mỗi lần từ 5-10 phút.

Massage bụng cho bé

Mẹ chỉ cần dùng 3 ngón tay giữa chụm lại, đặt lên vùng bụng xung quanh rốn. Bạn xoa nhẹ với lực ấn vừa đủ để cảm thấy hơi cứng theo chuyển động tròn xung quanh rốn. Điều này khiến thức ăn khó tiêu còn trong bụng sẽ mềm ra và chuyển động xuống hậu môn. Thực hiện mỗi lần 3 phút để kích thích trẻ đi ngoài.

Dùng nước ép hoa quả

Nước ép hoa quả sẽ cải thiện hệ tiêu hóa giúp bé tiêu hóa tốt hơn. Nhờ những dưỡng chất bổ ích có trong hoa quả tươi nên các mẹ sẽ cực kì yên tâm khi áp dụng phương pháp này.

Trên đây là những thông tin cần biết về táo bón ở trẻ sơ sinh. Hi vọng rằng với những gì chúng tôi vừa chia sẻ ở trên sẽ giúp các mẹ có thêm kinh nghiệm khi con mình bị táo bón. Chúc các mẹ cải thiện được thành công tình trạng tiêu hóa ở trẻ nhỏ.

Hãy để lại lời nhắn cho chúng tôi theo thông tin bên dưới

    Vui lòng để lại lời nhắn/câu hỏi tại đây, chúng tôi sẽ trả lời bạn trong vòng 48 giờ (trừ thứ 7, CN và ngày lễ). Cám ơn bạn đã quan tâm đến Mama sữa non!