Biếng ăn là gì?
Biếng ăn, chán ăn, lười ăn… là biểu hiện của nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể do bệnh lý hay tâm lý. Đó là tình trạng trẻ ăn ít hơn bình thường và thường không vui vẻ, “tự nguyện” ăn mà phải cần đến sự đốc thúc với nhiều “cung bậc” của người lớn như dỗ dành, năn nỉ, thậm chí dọa nạt.
Nguyên nhân gây biếng ăn ở trẻ
Có nhiều nguyên nhân khiến bé biếng ăn, trong đó có thể chia thành 3 nhóm nguyên nhân chính là: do bệnh lý, do tâm lý và phương pháp chăm sóc trẻ thiếu khoa học.
Trẻ biếng ăn do bệnh lý
– Trẻ biếng ăn ngay từ khi ở trong bụng mẹ. Khi mẹ mang thai ăn ít hoặc chán ăn dẫn đến thiếu nhiều vi chất như thiếu sắt, thiếu canxi, thiếu kẽm, thiếu các vitamin… khiến trẻ bị suy dinh dưỡng ngay từ trong bụng mẹ. Kết quả, trẻ sinh non tháng, thiếu cân dẫn đến lười bú mẹ ngay từ những tháng đầu sau khi sinh.
– Trẻ mắc các bệnh cấp tính do nhiễm khuẩn, nhiễm virus hệ hô hấp, hệ tiêu hóa (viêm dạ dày, viêm ruột…). Khi bị nhiễm khuẩn, vitamin & khoáng chất như vitamin A, vitamin C, vitamin nhóm B, Magiê, B6, sắt, kẽm bị mất đi làm cho bé lười ăn. Tình trạng loạn khuẩn đường ruột khiến trẻ bị chướng bụng, khó tiêu nên càng dễ khiến trẻ lười ăn hơn.
– Trẻ mắc các bệnh tổn thương răng miệng: mọc răng, sâu răng, viêm hoặc loét vùng hầu họng…
Tình trạng biếng ăn do bệnh lý cấp tính thường chỉ là tạm thời và trẻ sẽ ăn bình thường trở lại khi khỏi bệnh.
Trẻ biếng ăn do tâm lý
– Một số trẻ bị ốm, mọc răng… chưa kịp ăn ngon miệng trở lại thì bị người lớn thúc ép ăn nên cũng có cảm giác “sợ” ăn.
– Có trường hợp trẻ không biếng ăn nhưng do bố mẹ quá lo lắng nên thúc ép trẻ ăn, quát mắng thậm chí còn đánh khiến trẻ sợ hãi khi đến bữa và trở thành hiện tượng biếng ăn tâm lý.
– Có trường hợp trẻ chưa kịp thích nghi với môi trường mới như thay đổi trường học hoặc thay đổi người trông trẻ mà lại bị ép ăn quá nhiều có thể dẫn đến tình trạng ức chế bài tiết các men tiêu hóa làm trẻ chán ăn.
– Có trường hợp cha mẹ cho thuốc vào bột hoặc cháo để trẻ sử dụng khi bị ốm. Tuy nhiên chỉ một vài lần đầu trẻ bị lừa, nhưng đến nhiều lần sau trẻ sẽ tạo tâm lý cảnh giác hình thành nên tâm lý tránh xa thức ăn.
Trẻ biếng ăn do chế độ dinh dưỡng không phù hợp
– Thực đơn không phong phú, ăn một món trong nhiều ngày cũng là nguyên dân gây biếng ăn ở trẻ.
– Trong khẩu phần ăn không có chất xơ, đây là chất kích thích khẩu vị của trẻ mà cha mẹ cần lưu ý.
– Cho trẻ ăn cơm quá sớm thường là trước 2 tuổi cũng khiến trẻ hình thành dấu hiệu biếng ăn.
– Thực đơn không khoa học khiến trẻ thiếu một số loại vitamin, kẽm và sắt. Trong đó thiếu kẽm là nguyên nhân chính dẫn đến biếng ăn ở trẻ.
Biếng ăn kéo dài – Hậu quả khôn lường
Chậm tăng trưởng cân nặng và chiều cao
Trẻ em có 3 giai đoạn vàng phát triển chiều cao và cân nặng trong đó 3 năm đầu đời vô cùng quan trọng, thiếu hụt chất dinh dưỡng là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến giảm tốc độ tăng trưởng, đặc biệt là chiều cao của trẻ khi trưởng thành
Suy giảm hệ miễn dịch, dễ bị mắc bệnh
Dinh dưỡng là yếu tố quan trọng quyết định đến “sức khỏe” hệ miễn dịch. Không hấp thu đủ các chất dinh dưỡng, đặc biệt là các vi chất có thể làm suy giảm sản xuất và hoạt động của các tế bào miễn dịch, kháng thể. Đây là nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn thường dễ mắc bệnh, đặc biệt các bệnh đường tiêu hóa và hô hấp như: táo bón, tiêu chảy, viêm phế quản,… Theo thống kê, trẻ biếng ăn có nguy cơ viêm nhiễm đường hô hấp nhiều hơn 45%, số ngày điều trị tăng 29% so với trẻ được cung cấp đầy đủ dưỡng chất.
Chậm phát triển trí tuệ
Thực phẩm là nguồn cung cấp nhiều dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển trí não, kích thích quá trình ghi nhớ, sáng tạo của trẻ như: Sắt, Iot, DHA, Omega – 3, Omega – 9, Taurine, Choline,…
Tuy nhiên, ở những trẻ biếng ăn, cơ thể thiếu hụt dưỡng chất làm giảm khả năng nhận thức và phát triển trí tuệ của trẻ. Theo WHO, chỉ số phát triển trí tuệ MDI (Mental Developmental Index) của những trẻ biếng ăn thấp hơn 14 điểm so với trẻ được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng. Điều này ảnh hưởng tới những năm phát triển tiếp theo của trẻ.
Các nghiên cưu đã chỉ ra rằng trẻ biếng ăn giảm chỉ số IQ, giảm khả năng tập trung, giảm sự thành công khi trưởng thành
Giảm chỉ số cảm xúc (EQ) của trẻ
Chỉ số cảm xúc EQ (Emotional Quotient) là chỉ số cảm xúc thông minh của mỗi người. Trẻ có chỉ số EQ cao sẽ phát triển tốt khả năng giao tiếp, diễn đạt, hòa đồng với bạn bè, giúp trẻ hoàn thiện nhân cách và các kỹ năng cần thiết.
Tuy nhiên, trẻ biếng ăn thường có EQ thấp, do không phát triển khỏe mạnh bình thường, trẻ có xu hướng thu mình, sống thụ động, khó hòa nhập,… Lâu dài, có thể dẫn đến tự kỷ, học kém, ảnh hưởng đến tương lai của trẻ.
Cách xử lý hiệu quả khi trẻ biếng ăn
Làm sao cho trẻ hết biếng ăn và ăn ngon trở lại là điều mà những bậc cha mẹ có con biếng ăn quan tâm và mong muốn nhất. Để trị chứng biếng ăn cho trẻ, giúp trẻ ăn ngon miệng trở lại, ba mẹ cần phải xác định đúng nguyên nhân và kiên nhẫn khắc phục các nguyên nhân gây ra biếng ăn.
Làm gì khi trẻ biếng ăn do bệnh lý?
Trẻ mắc bệnh thường chán ăn và tình trạng lười ăn, ăn ít lại khiến cơ thể trẻ càng mệt mỏi, giảm khả năng chống đỡ bệnh và hồi phục sau khi bị bệnh. Vì vậy, bố mẹ cần nhanh chóng tìm cách điều trị dứt điểm bệnh đồng thời bình tĩnh dỗ dành trẻ, tránh ép trẻ ăn khiến trẻ sợ hãi. Nếu trẻ ăn ít trong giai đoạn này cũng đừng lo lắng quá vì khi khỏi bệnh, trẻ sẽ thèm ăn trở lại.
Nguyên tắc ăn uống cho bé biếng ăn do bệnh lý cần lưu ý:
Chia thành nhiều bữa nhỏ.
Thức ăn cần chế biến dạng lỏng và mềm hơn, dễ tiêu hóa hơn.
Cho trẻ uống đủ nước và có thể bổ sung các loại nước cam, chanh, nước dừa, nước táo, nước xoài… hoặc sữa để cung cấp năng lượng, vitamin và khoáng chất cho trẻ.
Làm gì khi trẻ biếng ăn do tâm lý?
Nếu trẻ mang tâm lý sợ ăn, điều quan trọng nhất là bố mẹ cần điều chỉnh tâm lý lo lắng của chính mình trước. Vì tâm lý sợ ăn của trẻ hầu như là hệ quả của việc bị ba mẹ ép ăn, dọa nạt.
Nếu trẻ có phản ứng sợ khi nhìn thấy thức ăn, bố mẹ cần phải “cắt” phản ứng đó bằng cách giúp trẻ nhận ra ăn uống là một việc rất vui vẻ và hoàn toàn không hề có áp lực nào.
Để trẻ có tâm lý thoải mái hơn khi ăn, bố mẹ nên động viên, khuyến khích bằng cách khen thức ăn ngon, vui đùa với trẻ và khen trẻ ăn uống rất giỏi.
Rất nhiều bố mẹ vì căng thẳng mỗi khi cho con ăn nên muốn trẻ ăn riêng trước hoặc sau bữa cơm của cả nhà. Trong khi đó, việc được ăn cùng mâm cơm với gia đình trong không khí vui vẻ sẽ giúp trẻ ăn ngon miệng hơn.
Làm gì khi trẻ biếng ăn do chế độ dinh dưỡng?
Nếu xác định nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn do chế độ dinh dưỡng thiếu khoa học và thói quen sinh hoạt không hợp lý của gia đình, bố mẹ cần điều chỉnh sớm để cải thiện tình trạng biếng ăn của trẻ. Một số gợi ý sau có thể giúp bố mẹ:
Trong năm tuổi đầu tiên, tập cho trẻ ăn đa dạng thức ăn theo từng tháng tuổi
Kiểm tra món ăn có hợp khẩu vị của trẻ hay không và thay đổi cho phù hợp. Khi thay đổi món ăn cho trẻ, cần thay đổi từ từ, xen kẽ giữa món ăn mới và món ăn cũ.
Cho trẻ ăn đủ bữa, đúng giờ.
Trong bữa ăn không cho trẻ vừa ăn vừa chơi hoặc vừa ăn vừa xem tivi, dùng ipad, điện thoại…
Không nhồi nhét, ép buộc trẻ ăn.
Không cho trẻ uống hoặc ăn đồ ngọt trước bữa ăn vì các thức ăn này tạo cảm giác “no giả” làm trẻ chán bữa ăn chính.
Không để trẻ đói lả mới cho ăn vì trẻ sẽ mệt mỏi và lại càng không muốn ăn.