Thoái hóa đốt sống cổ và những biến chứng nguy hiểm

23/12/2022
Share

Thoái hóa đốt sống cổ hay Thoái hóa cột sống cổ là một trong số các bệnh lý liên quan đến xương khớp thường gặp ở những người trong độ tuổi trung niên. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau mà bệnh đang có xu hướng ngày một trẻ hóa dần. Để chủ động hơn trong việc phòng ngừa và khắc phục, bạn cần hiểu rõ những đặc điểm của chứng bệnh này.

Thoái hóa đốt sống cổ là gì?

Cột sống cổ bao gồm 7 đốt sống và được ký hiệu từ C1 đến C7. Từ đốt sống C2 trở xuống sẽ xuất hiện các đĩa đệm có hình dạng như vòng sợi và chứa nhân nhầy. Những đĩa đệm này đảm nhận chức năng quan trọng trong việc phân tán trọng lực và giúp cổ cử động linh hoạt và nhịp nhàng hơn.

Thoái hóa đốt sống cổ chính là tình trạng đĩa đệm cột sống bị khô cứng do mất nước, bị viêm và không duy trì được độ căng phồng ban đầu. Tình trạng này tạo điều kiện để các đầu xương dễ bị cọ xát vào nhau, gây ra cảm giác đau nhức dữ dội nhất là khi người bệnh cử động cổ. Trong một số trường hợp, tại các dây chằng cổ còn xuất hiện các khối viêm dày làm hẹp hoặc bít tắc lỗ sống, chèn ép vào rễ thần kinh.

Mặc dù các triệu chứng của thoái hóa đốt sống cổ thường biểu hiện khá muộn, nhưng nếu người mắc không khắc phục kịp thời thì bệnh sẽ rất dễ chuyển sang giai đoạn mạn tính hoặc phát triển thành biến chứng khó xử lý.

Nguyên nhân thoái hóa đốt sống cổ

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thoái hóa đốt sống cổ. Trong đó phải kể đến như:

  • Yếu tố di truyền: Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nếu trong gia đình có một người bị bệnh thoái hóa đốt sống cổ, bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những người bình thường.
  • Do tai nạn, chấn thương: Nếu bạn từng bị chấn thương ở cổ chẳng hạn như bị ngã do tai nạn giao thông, tai nạn lao động hay thậm chí là tai nạn trong nhà thì cũng có thể đẩy nhanh quá trình lão hóa, tổn thương đĩa đệm và gây thoát vị.
  • Do tính chất nghề nghiệp: Những người luôn phải làm các công việc nặng nhọc, ngồi quá lâu trong nhiều giờ hoặc đứng quá lâu sẽ có nguy cơ bị mỏi các khớp cổ. Tình trạng này nếu xảy ra thường xuyên sẽ khiến cho cấu trúc cổ bị sai lệch, mô xương bị biến đổi.
  • Do quá trình lão hóa của cơ thể: Tuổi càng cao, các cơ quan trong cơ thể con người cũng dần bị lão hóa. Theo đó, khi bước vào độ tuổi từ 45 đến 60, lớp nhân đĩa đệm sẽ bị thất thoát một lượng nước và độ nhầy nhất định. Vòng sợi đĩa đệm cũng trở nên xơ hóa, khô tạo nên cấu trúc lỏng lẻo dễ bị tổn thương và nứt rách.
  • Chế độ ăn uống không đảm bảo: Theo các chuyên gia, chế độ ăn uống thiếu hụt các chất dinh dưỡng là một trong số những nguyên nhân gây ra chứng thoái hóa đốt sống cổ. Nếu trong các bữa ăn hàng ngày của bạn thiếu hụt các chất cần thiết như sắt, canxi, magie…, bạn sẽ có nguy cơ cao mắc chứng thoái hóa đốt sống cổ nói riêng và các bệnh về xương khớp nói chung. Không những vậy, thói quen sử dụng nhiều rượu bia, thuốc lá, đồ uống chứa nhiều cồn… cũng là tác nhân dẫn đến bệnh lý này.

Biến chứng thoái hóa đốt sống cổ

Thoái hóa đốt sống cổ nếu không được phát hiện sớm và có biện pháp điều trị đúng, phù hợp thì có thể gây những biến chứng nguy hiểm. Những biến chứng thoái hóa đốt sống cổ có thể xảy ra:

Thoát vị đĩa đệm cổ: Cột sống cổ thoái hóa trong thời gian dài không được điều trị tiến triển thành thoát vị đĩa đệm cổ. Khi đó, quá trình điều trị gặp khó khăn và nguy cơ cao bị rối loạn cảm giác, rối loạn thực vật, bại liệt.

Rối loạn tiền đình: Bệnh làm tổn thương lỗ tiếp hợp, gây rối loạn tiền đình, thiếu máu não gây ra các triệu chứng đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi, buồn nôn.

Các vị trí từ cổ trở xuống bị tê và yếu: Biến chứng này cực kỳ nguy hiểm bởi cột sống thoái hóa mọc gai xương, ống xương sống bị thu hẹp dẫn đến tình trạng tủy sống bị chèn ép. Lúc này các vị trí dưới cổ bị yếu, thậm chí tê liệt kèm theo đó là những cơn đau nhức dữ dội.

Phòng ngừa bệnh thoái hóa đốt sống cổ

Thoái hóa đốt sống cổ là căn bệnh chịu ảnh hưởng nhiều của yếu tố nghề nghiệp gây nên do đó phòng bệnh có vai trò rất lớn để hạn chế bệnh:

+ Thực hiện xoa bóp, chăm sóc trực tiếp đến vùng cổ thường xuyên, không nên quá gắng sức trong công việc. Cần có thời gian lao động và nghỉ ngơi hợp lý, hạn chế mức tối đa những tác động không tốt đến các đốt sống cổ.

+ Đối với người làm văn phòng, làm việc với máy vi tính, cần tạo lập thói quen bảo vệ sức khỏe ngay tại nơi làm việc, với những động tác luyện tập hay thay đổi tư thế đơn giản, không ngồi ỳ bên máy tính trong thời gian quá dài và kết hợp cùng một chế độ ăn uống khoa học.

Ngoài ra, ghế làm việc phải có độ cao phù hợp so với bàn làm việc và với chiều cao của người sử dụng, không để ghế ngồi quá cao hoặc quá thấp. Khi là việc giữ khoảng cách hợp lý từ tay đến bàn làm việc hay máy tính. Ngoài ra nên sử dụng máy tính có màn hình lớn, tối thiểu là từ 17 inch trở lên giúp các cơ cổ không bị căng, mỏi. Ngồi cách màn hình vi tính 50 – 66 cm và đặt màn hình dưới tầm mắt khoảng 10 – 20 độ là khoảng cách tốt nhất. Không để màn hình máy tính quá cao hoặc quá thấp hơn so với tầm mắt.

Khi ngồi gần bàn làm việc nên chỉnh ghế sao cho 2 cẳng tay song song với mặt sàn. Luôn giữ thẳng lưng và 2 vai giữ ngang bằng.

+ Khi ngủ hãy thường xuyên thay đổi tư thế, tránh nằm chỉ một hoặc 2 tư thế sẽ rất dễ bị vẹo cổ. Không nên nằm sấp, bởi tư thế này sẽ khiến cho cổ bị gập xuống rất dễ gây nên chứng thoái hóa đốt sống cổ. không nên nằm gối đầu quá cao.

+ Để đề phòng hiện tượng “gãy”, trật khớp mỏm đốt sống có thể gây liệt tứ chi hoặc thậm chí tử vong, người bệnh tuyệt đối không được “vặn”, “ấn cổ”. khi nằm, cần có gối đầu với độ dày vừa phải, tránh tư thế quá ưỡn cổ hoặc cúi gấp cổ.

Một số lưu ý:

+ Thay đổi tư thế làm việc khi ngồi làm việc trước màn vi tính, hoặc ngồi xem ti vi kéo dài.

+ Không nên vặn bẻ cổ đột ngột khi thấy mỏi, bởi tất cả các động tác này sẽ làm tăng thoái hóa đốt sống cổ.

+ Không nên đội vật nặng trên đầu.

+ Không nên ngồi cúi hoặc gập cổ quá lâu (xem tivi, đọc sách, báo); ngồi tàu xe đường dài cần có phần tựa đầu và tựa lưng.

+ Khi luyện tập thể dục nhẹ nhàng và xoa bóp cần có sự chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

+ Khi thấy đau đầu, cổ, gáy lan xuống cánh tay, liệt yếu tứ chi, không nên đi bấm nắn vặn vẹo mạnh dễ gây ra những tổn thương nghiêm trọng mạch, dây thần kinh vùng cổ, khi đó cần đi đến các chuyên khoa thần kinh để xác định bệnh chính xác để điều trị.

 

Hãy để lại lời nhắn cho chúng tôi theo thông tin bên dưới

    Vui lòng để lại lời nhắn/câu hỏi tại đây, chúng tôi sẽ trả lời bạn trong vòng 48 giờ (trừ thứ 7, CN và ngày lễ). Cám ơn bạn đã quan tâm đến Mama sữa non!