Phì đại tiền liệt tuyến là bệnh lý thường gặp ở nam giới tuổi trung niên do quá trình lão hóa của cơ thể. Khi không được phát hiện và điều trị phì đại tuyến tiền liệt kịp thời, bệnh gây ra nhiều ảnh hưởng xấu đến cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày của người bệnh, có khả năng dẫn tới những biến chứng nguy hiểm.
Phì đại tiền liệt tuyến là gì?
Tiền liệt tuyến là một tuyến nhỏ kích thước khoảng 10-20 gr chỉ có ở nam giới, nằm sát dưới cơ bàng quang, bao quanh lấy đoạn niệu đạo chỗ nối với cổ bàng quang. Tiền liệt tuyến có chức năng chính là sản xuất ra chất dịch giúp cho quá trình sinh sản của nam giới, ngoài ra tiền liệt tuyến còn giữ độc tố, vi khuẩn, hóa chất không để đi vào đường tiết niệu.
Phì đại tiền liệt tuyến là sự gia tăng kích thước của tuyến tiền liệt ở độ tuổi trung niên và già, chèn ép vào niệu đạo và bàng quang gây ra rối loạn tiểu tiện như: tiểu khó, bí tiểu, tiểu nhiều lần, tiểu gấp, tiểu ngập ngừng, tiểu không hết bãi…
Phì đại tiền liệt tuyến bắt đầu xuất hiện ở độ tuổi 30 tuy nhiên sau độ tuổi 50 mới xuất hiện các triệu chứng của bệnh. Một số ít xuất hiện ở người trẻ tuổi. Bệnh ngày càng gia tăng theo độ tuổi, hơn 50% nam giới trên 50 tuổi mắc bệnh này.
Các biến chứng nguy hiểm của bệnh
Các triệu chứng của phì đại tuyến tiền liệt rất dễ gây nhầm lẫn hoặc không rõ rệt nên dễ bị bỏ qua. Tuy nhiên, việc điều trị sớm bao giờ cũng hiệu quả hơn và giúp bạn tránh được những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra sau đây:
Bí tiểu đột ngột: Lúc này, bạn có thể cần được đặt một ống thông vào bàng quang để thoát nước tiểu. Một số nam giới mắc bệnh cần phẫu thuật để giảm bí tiểu.
Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI): Nước tiểu ứ đọng có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu. Nếu tình trạng này diễn ra thường xuyên, bạn có thể cần phẫu thuật để cắt bỏ một phần tuyến tiền liệt.
Sỏi bàng quang: Sỏi có thể gây nhiễm trùng, kích ứng bàng quang, tiểu ra máu và cản trở dòng chảy của nước tiểu.
Tổn thương bàng quang: Bàng quang tồn đọng có thể bị căng và lâu dần trở nên suy yếu. Kết quả là cơ của bàng quang không co bóp tốt, khiến cho người bệnh tiểu không sạch.
Hỏng thận: Áp lực do nước tiểu ứ đọng trong bàng quang có thể trực tiếp làm hỏng thận hoặc vi khuẩn có thể theo niệu đạo tấn công gây hỏng thận.
Ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể: Bí tiểu cấp tính và tổn thương thận có thể đe dọa nghiêm trọng sức khỏe của người bệnh.
Đối tượng nguy cơ bệnh Phì đại tiền liệt tuyến
Nam giới trên 50 tuổi
Gia đình có người mắc phì đại tiền liệt tuyến
Béo phì, ít luyện tập thể dục thể thao
Chủng tộc: người da trắng và da đen có nguy cơ cao hơn
Lối sống lạm dụng rượu bia, hút thuốc lá chất kích thích, uống ít nước, ăn nhiều chất béo.
Rối loạn chức năng cương dương
Mắc các bệnh như đái tháo đường, bệnh tim, sử dụng thuốc chẹn beta
Một số yếu tố khác: môi trường làm việc ô nhiễm, thường xuyên stress, từng mắc bệnh về đường tiết niệu,…
Cách phòng ngừa
Để phòng ngừa phì đại tiền liệt tuyến, cần sử dụng nhiều thực phẩm lành mạnh, có lợi cho sức khỏe như các loại đậu (đậu nành, đậu xanh, đậu lăng…) để nhờ hoạt chất thực vật có tác dụng tương tự nội tiết tố ức chế phản ứng viêm tấy trong tuyến tiền liệt.
Cạnh đó, các loại rau cải như cải bắp, bông cải, rau chân vịt… rất giàu chất kháng ôxy hóa cũng có tác dụng giải độc cho tiền liệt tuyến. Các thực phẩm giàu omega-3 như cá ba sa, cá tra, cá hồi, cá mòi cũng có tác dụng giúp trung hòa hoạt dính của các chất gây sưng viêm. Chú ý hạn chế ăn đồ cay nóng.
Việc thường xuyên vận động đúng cách, tập thể dục hợp lý cũng giúp máu tuần hoàn tốt hơn, tăng cường sức khỏe. Trường hợp do công việc phải ngồi lâu, bạn có thể vận động tại chỗ như đừng ngồi quá lâu, nên đứng dậy đi lại mỗi 30 phút, xoay cổ tay, khớp vai hoặc xoay cổ… cho đỡ mỏi.