Ăn dặm tự chỉ huy là một trong 3 phương pháp ăn dặm nổi tiếng và phổ biến trên thế giới. Trong phương pháp này, con sẽ được ăn thô ngay từ khi bắt đầu tập. Đồng thời được tự quyết định loại thực phẩm, lượng ăn của mình. Tuy nhiên, nhiều mẹ còn khá ái ngại khi tập ăn dặm cho bé theo phương pháp tự chỉ huy do lo ngại con sẽ sẽ bị hóc, nôn, trớ trong quá trình thực hiện.
Vậy chúng liệu có an toàn với con? Làm sao để có thể áp dụng ăn dặm tự chỉ huy cho bé? Bài viết này sẽ giúp mẹ trả lời những câu hỏi này!
- Cách tập ăn dặm kiểu BLW cho bé
Ăn dặm kiểu tự chỉ huy (BLW) là hình thức ăn dặm để cho bé tự quyết định loại thực phẩm mà bé muốn ăn, cũng như số lượng thức ăn mà bé muốn tiêu thụ. Nguyên tắc của phương pháp ăn dặm tự chỉ huy là bố mẹ hoàn toàn tôn trọng sự lựa chọn của con, giúp bé hình thành thói quen ăn uống tốt sau này.
Dưới đây là một số hướng dẫn về cách tập cho bé ăn dặm tự chỉ huy mà cha mẹ cần lưu ý:
Không ép con ăn
Có thể khi mới bắt đầu ăn dặm, bé sẽ không ăn được nhiều làm mẹ lo lắng và muốn ép con ăn nhiều hơn. Nhưng quan điểm này là hoàn toàn sai lầm, việc ép ăn quá mức sẽ khiến cho bé có tâm lý hoảng sợ, lâu ngày hình thành biếng ăn hoặc không hứng thú khi ăn dặm.
Do vậy, mẹ không nên ép con ăn, hãy cho bé tự do lựa chọn món ăn theo sở thích và với số lượng theo nhu cầu của trẻ. Theo thời gian, trẻ sẽ thích thú, ăn nhiều hơn mà không cần người lớn phải quát tháo hay ép buộc.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng mặc dù cho trẻ ăn dặm tự chỉ huy nhưng mẹ vẫn cần cho bé bổ sung đầy đủ sữa mẹ hoặc sữa công thức. Điều này đảm bảo con vẫn đủ chất dinh dưỡng trong giai đoạn đầu ăn dặm.
Không đi ăn rong
Với phương pháp ăn dặm tự chỉ huy, bé sẽ được ngồi vào bàn ăn ngay ngắn cùng với gia đình, không cần mẹ phải đưa con đi ăn rong khắp mọi nơi. Việc này sẽ giúp bé hình thành thói quen nghiêm túc, tập trung ăn uống, tránh tình trạng vừa ăn vừa vui đùa khiến ảnh hưởng tới chức năng đường tiêu hoá.
Ăn có giờ giấc
Thêm một nguyên tắc nữa trong hình thức ăn dặm tự chỉ huy đó là mẹ cần cho bé ăn đúng giờ giấc, để từ đó hình thành phản xạ đói bụng ở trẻ nhỏ khi tới một khung giờ nhất định. Ăn uống khoa học theo một lịch trình nhất định sẽ giúp trẻ hình thành thói quen tốt sau này, hạn chế các vấn đề về đường tiêu hoá và tăng cường sức khoẻ tổng thể.
Kiên trì với con
Rất nhiều mẹ cảm thấy nản lòng khi trẻ mới bắt đầu ăn dặm tự chỉ huy, do con ăn uống vứt bừa bãi, dính đầy lên mặt mũi và quần áo. Tuy nhiên, khó khăn trong giai đoạn đầu là điều bình thường với tất cả các mẹ bỉm sữa khi cho con thực hiện theo phương pháp này.
Mẹ chỉ cần kiên trì luyện tập cho con ăn dặm từ khoảng 2-3 tháng sau là có thể nhàn hơn, lúc này con đã nhận thức rõ hơn về cách ăn uống.
Tạo niềm vui cho bé
Ăn dặm không phải là cuộc chiến đấu giữa 2 mẹ con. Do vậy người lớn nên tạo cho trẻ niềm vui trong quá trình ăn dặm, khen ngợi, vỗ về hoặc thưởng cho bé món quà nào đó mỗi khi con ăn dặm đúng cách.
Điều này giúp khích lệ tinh thần của trẻ, giúp con cảm thấy vui vẻ mỗi khi ngồi lên bàn ăn. Tâm lý thoải mái sẽ khiến cơ thể bé hấp thu chất dinh dưỡng dễ dàng, hỗ trợ sự phát triển thể chất và trí tuệ.
Cho bé thử nhiều đồ ăn
Bé sẽ cảm thấy chán ngấy nếu như ăn mãi một vài món ăn dặm, lâu ngày sẽ khiến bé bị biếng ăn, suy dinh dưỡng. Vì vậy, cha mẹ nên thường xuyên cho con thử ăn nhiều loại thực phẩm, đa dạng hơn trong cách chế biến để trẻ được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, ghi nhớ thêm hương vị nhiều món ăn hơn.
- Những món ăn dặm theo phương pháp ăn dặm BLW
Mẹ có thể tham khảo một số món ăn dặm theo phương pháp BLW như dưới đây:
Cơm rang tôm, cơm trộn rong biển, cháo bí đỏ, mì cắt nhỏ.
Rau bắp cải luộc, súp lơ xào cà chua, măng tây hấp, rau mồng tơi luộc.
Cá quả hấp, cá chép rán, cá trôi hấp, cháo cá rô, cháo cá hồi.
Thanh long, chuối, đu đủ, dâu tây, nho, dưa chuột, cam, dưa hấu.
Khoai lang luộc, khoai tây hấp, bí đao luộc, cà rốt luộc, su hào luộc, ớt chuông hấp, canh mướp luộc.
Sữa chua, sữa ngô, sữa đậu nành, sữa gạo lứt, phô mai.
- Cách xử trí con bị hóc khi ăn dặm tự chỉ huy
Trẻ bị hóc khi ăn dặm tự chỉ huy có thể xảy ra khi bé mới bắt đầu ăn dặm, khiến nhiều bà mẹ lo lắng. Dấu hiệu khi trẻ bị hóc bao gồm: tạm ngừng ăn, ho dữ dội, sặc sụa, ú ớ, da tím tái. Cần xử trí kịp thời, nếu không sẽ làm tắc đường thở và thậm chí khiến trẻ tử vong.
Lưu ý không nên dùng tay để móc thức ăn ra khỏi miệng bé, vì làm như vậy sẽ có thể khiến đồ ăn bị đẩy sâu vào trong họng, càng làm tắc đường thở gây nguy hiểm cho trẻ. Khi bé bị hóc, cách tốt nhất là mẹ nên đưa con đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
Trong trường hợp, bé bị hóc và có biểu hiện tím tái, không khóc được, thở khó khăn thì trong lúc chờ đợi bác sĩ xử lý, mẹ có thể áp dụng biện pháp sơ cứu cho con như sau:
Đặt bé nằm úp lên trên cánh tay hoặc đùi của người lớn.
Để dùng ngón tay để mở miệng, cho bé há ra. Tiếp theo dùng gót bàn tay vỗ nhẹ vào lưng của trẻ (giữa 2 xương bả vai) khoảng 5 lần, để xem trẻ có hết nghẹn chưa.
Nếu vẫn chưa hết hóc, hãy dùng 2 ngón tay ấn ngực trẻ ở ½ dưới xương ức, ấn khoảng 5 lần.
Nếu vẫn chưa khai thông được, mẹ hãy tiếp tục vỗ lưng 5 lần kết hợp ấn ngực 5 lần cho tới khi bác sĩ tới cấp cứu.
Tình trạng hóc khi ăn dặm tự chỉ huy có thể phòng ngừa nếu mẹ thực hiện theo các hướng dẫn như: cho con ăn thực phẩm không quá cứng, kích thước nhỏ, thường xuyên theo dõi khi bé ăn, cho con ngồi ăn nghiêm túc (không vừa ăn vừa xem điện thoại, tivi).
Trên đây là tổng hợp kiến thức về cách tập cho bé ăn dặm theo kiểu BLW, hy vọng bài viết đã cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho mẹ đang nuôi dưỡng trẻ nhỏ. Chúc em bé ăn dặm BLW thành công và luôn ngon miệng nhé.