Đau dây thần kinh liên sườn là một bệnh hay gặp ở người trưởng thành. Người bệnh có thể phải chịu đựng cơn đau liên tục hoặc đau nhói từng cơn rất khó chịu. Đau thần kinh liên sườn không tự khỏi, vì vậy bạn nên tìm hiểu và điều trị từ sớm, tránh để bị liệt không thể đi lại được.
Đau dây thần kinh liên sườn là gì?
Các dây thần kinh liên sườn nằm ở tủy sống, dưới mỗi xương sườn. Đau dây thần kinh liên sườn bao gồm tất cả những cơn đau tại vị trí này do nguyên nhân thần kinh.
Sau khi tách khỏi rễ chung, dây thần kinh liên sườn cùng với mạch máu tạo thành bó mạch – thần kinh gian sườn nằm ở bờ dưới của mỗi bên xương sườn. Vì mối liên quan như vậy nên các bệnh lý của tủy sống, cột sống, xương sườn và thành ngực đều có thể ảnh hưởng trực tiếp tới dây thần kinh liên sườn. Hơn nữa các dây thần kinh liên sườn cũng nằm ở vị trí nông nên dễ bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài.
Nếu không tìm được nguyên nhân cụ thể thì gọi là đau dây thần kinh liên sườn tiên phát (hay nguyên phát).
Dấu hiệu nhận biết đau dây thần kinh liên sườn
Biểu hiện nổi bật của đau dây thần kinh liên sườn là triệu chứng đau dọc theo đường đi của dây thần kinh liên sườn tương ứng. Một số trường hợp được người bệnh mô tả với cảm giác tức ngực, đau ngực, sau lan ra theo đường đi các dây thần kinh liên sườn đến vùng cạnh sống. Tuy nhiên, người bệnh còn phải gặp phải nhiều dấu hiệu khác, đa dạng tùy thuộc vào bệnh lý trực tiếp gây đau. Một số bối cảnh bệnh lý thường gặp như:
Thoái hoá cột sống ngực
Đau dây thần kinh liên sườn do nguyên nhân này thường gặp ở bệnh nhân lớn tuổi. Người bệnh cảm giác đau âm ỉ vùng cột sống, đau tăng khi cử động và khi ấn vào giữa cột sống.
Ung thư cột sống ngực hoặc lao cột sống
Khác với thoái hoá, lao hoặc ung thư cột sống gây đau dữ dội hơn và cục bộ ở đoạn cột sống tương ứng, lan sang hai bên sườn. Triệu chứng đau xuất hiện liên tục kèm theo biến dạng cột sống và các triệu chứng toàn thân như sốt nhẹ về chiều, sụt cân, mệt mỏi nhiều.
Bệnh lý tủy sống
Một số bệnh lý tủy sống cũng có thể gây đau dây thần kinh liên sườn như u tủy và u rễ thần kinh. Đau thường chỉ khu trú ở vùng tuỷ có bệnh lý, một bên và lan dọc bên sườn theo kiểu vòng đai. Triệu chứng khá mơ hồ khi thăm khám cột sống.
Chấn thương cột sống
Sau một chấn thương cột sống hoặc sau một vận động sai tư thế với cường độ mạnh bệnh nhân xuất hiện triệu chứng đau dọc khung xương sườn kèm theo vị trí cột sống bị tổn thương.
Đau dây thần kinh liên sườn do zona
Đây là nguyên nhân nhiễm khuẩn thường gặp nhất gây đau dây thần kinh liên sườn. Người bệnh cảm giác đau kiểu bỏng rát nhiều vùng da tương ứng theo khoanh tủy trong giai đoạn cấp tính, đau nhiều hơn khi tiếp xúc với áo quần hoặc khi chạm vào. Một vài ngày sau, các mụn nước nhỏ trên nền ban đỏ bắt đầu xuất hiện dọc theo đường đi của dây thần kinh liên sườn, sau khoảng một tuần mụn nước sẽ bong vảy và có thể để lại sẹo. Biểu hiện toàn thân thấy được ở người bệnh trong giai đoạn này là sốt nhẹ, mệt mỏi. Triệu chứng đau có thể kéo dài dai dẳng sau khi các mụn nước biến mất, thường gặp ở bệnh nhân lớn tuổi.
Đau dây thần kinh liên sườn nguyên phát
Phân nhóm này chỉ những trường hợp không có nguyên nhân thực thể gây bệnh. Đau dây thần kinh liên sườn nguyên phát thường do thời tiết quá lạnh hoặc sau một vận động quá tầm. Đau khu trú ở vùng cạnh sống hoặc bả vai lan dọc theo khung sườn tương ứng với đường đi của dây thần kinh liên sườn. Đặc điểm đau bao gồm âm ỉ liên tục, đau khi thay đổi tư thế hoặc khi hít thở sâu.
Một số nguyên nhân toàn thân gây đau dây thần kinh liên sườn khác: đái tháo đường, viêm đa rễ thần kinh, viêm đa dây thần kinh, nhiễm độc,… bệnh nhân thường phải trải qua các triệu chứng của bệnh lý nền trước sau đó mới xuất hiện dấu hiệu đau lan dọc khung xương sườn theo đường đi của các dây thần kinh liên sườn.
Phòng tránh đau dây thần kinh sườn
– Tránh vận động sai tư thế, mang vác nặng; Nên thường xuyên tập thể dục (lưu ý tập vừa sức), đi lại, sinh hoạt điều độ, đặc biệt cải thiện giấc ngủ; Điều trị dứt điểm các bệnh lý nền là nguyên nhân gây viêm dây thần kinh liên sườn như chấn thương cột sống, u cột sống…
– Đối với trường hợp do viêm dây thần kinh liên sườn tiên phát do lạnh, nên giữ ấm cơ thể giúp máu lưu thông tốt hơn; Ngoài chế độ ăn uống, sinh hoạt có thể sử dụng các biện pháp hỗ trợ xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu.