Nhồi máu cơ tim là biến chứng thường gặp của bệnh động mạch vành. Cơn nhồi máu cơ tim xảy ra đột ngột, khó biết trước, nếu không được phát hiện kịp thời thì sẽ dẫn đến những cái chết không được báo trước. Vì thế, việc cấp cứu kịp thời sẽ cứu được mạng sống cho người bệnh dù đó là nhồi máu cơ tim cấp.
Dấu hiệu nhận biết cơn nhồi máu cơ tim cấp
– Đau thắt ngực: Đây là dấu hiệu nguy hiểm, một số người sẽ có cảm giác giống như có vật nặng đè lên ngực hoặc có bàn tay của ai đó bóp chặt lấy tim, trong khi một số khác lại cảm thấy đau nhói, bỏng rát như kim châm… Cơn đau sẽ xuất hiện ở giữa ngực hoặc bên ngực trái, có thể lan lên cổ, hàm, vai, cánh tay trái hoặc cả hai tay trong khoảng một vài phút rồi biến mất và quay trở lại.
– Mệt mỏi: 100% người bệnh cảm thấy mệt mỏi lặp đi lặp lại nhiều lần mà trước đây chưa từng bị trong khoảng vài ngày trước khi cơn nhồi máu cơ tim xuất hiện.
– Khó thở: Khó thở có thể xảy ra trước hoặc cùng lúc với cơn đau thắt ngực.
– Buồn nôn, nôn mửa, khó tiêu, ợ nóng: Các triệu chứng này thường xuất hiện ở bệnh nhân nữ nhiều hơn bệnh nhân nam.
– Các dấu hiệu khác: Chóng mặt, choáng váng, cảm giác muốn đi đại tiện, toát mồ hôi lạnh, vã mồ hôi, lo lắng quá mức…
Cách sơ cứu người bị nhồi máu cơ tim tại nhà
Trong cấp cứu nhồi máu cơ tim, thời gian là yếu tố quan trọng nhất quyết định sinh mạng của người bệnh. Thời điểm để xử trí cơn nhồi máu cơ tim hiệu quả nhất là trong vòng hai giờ kể từ khi cơn đau thắt ngực xảy ra. Dưới đây là cách sơ cứu nhồi máu cơ tim đơn giản mà ai cũng nên biết:
* Đối với bản thân người bệnh
Phải dừng ngay mọi công việc đang làm, ngồi nghỉ ngơi hoặc nằm theo tư thế nửa nằm nửa ngồi (co đầu gối, nằm nghiêng 75 độ so với mặt đất).
Buông lỏng phần vai và hai cánh tay, nhắm mắtt lại và hít thở nhẹ nhàng bằng mũi, không cố hít sâu, không nín hơi để tránh bị căng thẳng và tim bị mệt.
Cởi bớt áo khoác ngoài, nới rộng khăn quàng cổ, cà vạt (nếu có).
Uống một liều thuốc trị đau thắt ngực theo đơn của bác sĩ. Trong trường hợp có sẵn thuốc mang theo bên người, nên dùng ngay viên ngậm dưới lưỡi Nitroglycerin hoặc xịt dưới lưỡi 2 lần Nitroglycerin dạng xịt trong khi chờ đợi xe cấp cứu. Nếu sau 5 phút mà cơn đau ngực vẫn chưa đỡ có thể dùng thêm một liều nữa.
Nếu bệnh nhân được bác sĩ cho uống aspirin (một loại thuốc chống kết tập tiểu cầu), người bệnh có thể nhai luôn một viên Aspirin hoặc uống dạng sủi để phòng cục máu đông và nhanh chóng đưa đến bác sĩ để được điều trị ngay, không nên để quá 15 phút.
Nhờ người gọi xe cấp cứu hoặc nhờ họ đưa bạn đến bệnh viện gần nhất.
* Đối với người thân của bệnh nhân
Khi quan sát thấy người bệnh có những dấu hiệu nhồi máu cơ tim như đau thắt ngực, khó thở, vã mồ hôi, chóng mặt, lạnh chân tay…, người nhà cần gọi ngay xe cấp cứu và khẩn trương đưa bệnh nhân đến BV càng sớm càng tốt. Trong lúc chờ đợi xe cấp cứu đến, người nhà cần tiến hành sơ cứu như sau:
– Nếu quan sát thấy người bệnh còn tỉnh, hãy để người bệnh nằm ở tư thế nửa nằm nửa ngồi ở nơi thoáng đãng, trấn an nhẹ nhàng, tránh nói to hay hỏi quá nhiều vì điều này có thể làm cho người bệnh cảm thấy căng thẳng.
Nếu người bệnh được bác sĩ cho uống aspirin hoặc nitroglycerin… trong đơn thuốc hàng ngày hoặc thuốc cấp cứu đã chỉ định trước, hãy cho họ dùng thuốc theo hướng dẫn.
– Nếu người bệnh đã bất tỉnh, có thể thực hiện theo 2 cách sau:
Ép tim ngoài lồng ngực: Để người bệnh nằm lên một mặt phẳng cứng, quỳ gối phía bên trái của người bệnh Sau đó chồng 2 bàn tay lên và đặt trước tim (khoảng giữa 2 núm vú – khoang liên sườn 4 – 5 bên trái), dùng toàn lực ép mạnh và sâu xuống 1/3 lồng ngực rồi nới lỏng tay. Lặp lại động tác này liên tục 60 lần/phút để tăng co bóp tim.
Hô hấp nhân tạo: Đặt người bệnh nằm ở nơi thoáng đãng, nới rộng quần áo, kiểm tra dị vật trong miệng, rồi kê cao cổ để đầu hơi ngửa ra phía sau. Sau đó bịt mũi người bệnh rồi dùng miệng của mình lấy hơi và thổi vào miệng người bệnh nhiều lần.