Ăn dặm tự chỉ huy là phương pháp ăn dặm hiện đại được nhiều nơi trên thế giới áp dụng và đã đem lại hiệu quả cao trong việc nuôi dưỡng trẻ trong giai đoạn đầu đời. Vậy ăn dặm tự chỉ huy là gì? Khi nào nên cho bé ăn dặm tự chỉ huy? Dấu hiệu bé sẵn sàng ăn dặm là gì? Làm thế nào để đảm bảo an toàn cho con khi ăn dặm?
- Ăn dặm tự chỉ huy là gì?
Ăn dặm tự chỉ huy (BLW – Baby Led Weaning) là phương pháp ăn dặm để con tự do lựa chọn loại đồ ăn mà con thích, với lượng thức ăn phù hợp với nhu cầu của con, tức là để con tự chỉ huy trong bữa ăn của mình.
Nguyên tắc của phương pháp ăn dặm này vẫn phải đảm bảo cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho con (tinh bột, chất béo, chất đạm, chất xơ, axit folic, axit béo Omega-3…), với tỷ lệ thành phần chất dinh dưỡng phù hợp với giai đoạn phát triển của trẻ. Ngoài ra, mẹ vẫn cần bổ sung thêm sữa mẹ hoặc sữa công thức nhằm phòng ngừa thiếu hụt chất khi con mới bắt đầu ăn dặm, chưa ăn được nhiều.
Hình thức ăn dặm tự chỉ huy mang tới nhiều lợi ích cho sự phát triển của trẻ nhỏ như:
– Tạo thói quen ăn uống tự giác, nghiêm túc: Không cần nhờ tới sự giúp đỡ của người lớn bón cho từng thìa, với phương pháp ăn dặm tự chỉ huy trẻ được học cách ăn độc lập và nghiêm túc. Tránh sự ỷ lại, dựa dẫm vào người lớn trong ăn uống.
– Trẻ được trải nghiệm, khám phá hương vị và kết cấu của nhiều loại thực phẩm: Phương pháp ăn dặm này khuyến khích trẻ tiêu thụ các loại thức ăn phong phú đa dạng, có thể chất từ loãng đến đặc. Tuy nhiên, cha mẹ chỉ nên cho trẻ ăn những món ăn không quá cứng, kích thước nhỏ để trẻ không bị nghẹn.
– Trẻ được rèn luyện động tác phối hợp nhịp nhàng giữa mắt, mũi, miệng và các ngón tay trong lúc ăn. Điều này tạo điều kiện thuận lợi giúp cho phản xạ ăn uống của trẻ ngày càng hoàn thiện hơn.
– Bé học được cách ăn nhai, nuốt thức ăn khi cảm thấy an toàn hoặc nhả đồ ăn ra khi phát hiện bất thường.
– Tiết kiệm thời gian, công sức cho cha mẹ trong khâu chuẩn bị nguyên liệu, chế biến món ăn dặm cho trẻ.
- Khi nào có thể cho bé ăn dặm tự chỉ huy?
Theo nhiều nghiên cứu khoa học, thời điểm phù hợp để cho bé ăn dặm tự chỉ huy là khi bé được 6 tháng. Khi đó, bé đã phần nào quan sát và học hỏi kỹ năng ăn uống từ người lớn, đồng thời hệ tiêu hoá của trẻ cũng được hoàn thiện dần và phù hợp để tiếp nhận thực phẩm bổ sung từ bên ngoài.
Ăn dặm quá sớm hoặc quá muộn đều không tốt cho sự phát triển của trẻ. Vì vậy, ngay từ khi bé được 6 tháng tuổi, mẹ nên chớp ngay “thời cơ vàng” để bé được trải nghiệm mới mẻ với đồ ăn nhé.
- Những dấu hiệu cho thấy bé đã sẵn sàng ăn dặm tự chỉ huy
Quan sát những dấu hiệu bé đã sẵn sàng ăn dặm tự chỉ huy sẽ giúp cha mẹ có thể quyết định thời điểm cho con ăn dặm chính xác.
– Tự ngồi vững
Bé giữ được cổ thẳng khi ngồi, ngồi cứng cáp được cũng là điều kiện quan trọng để bắt đầu việc cho ăn dặm tự chỉ huy. Lúc này, sự phối hợp thao tác giữa tay, miệng và mắt của trẻ sẽ ổn định và chính xác hơn.
– Cầm đồ vật và đưa vào miệng
Thêm một dấu hiệu khác cho thấy bé đã sẵn sàng ăn dặm đó xuất hiện hành động cầm đồ vật và đưa vào miệng. Hành động này cũng có thể xuất phát từ việc trẻ bắt chước người lớn hoặc bé thật sự khao khát khám phá đồ ăn bên ngoài.
– Cảm thấy thích thú với đồ ăn
Nếu người lớn đưa cho đồ ăn, mà bé cảm thấy mừng rỡ, thích thú liếm mút đồ ăn thì đó có thể là biểu hiện bé muốn được ăn dặm tự chỉ huy.
– Có động tác ăn nhai
Sẽ có một lúc nào đó, bé có động tác nhai miệng chóp chép thì mẹ cần hiểu đó là thời điểm thích hợp cho bé ăn dặm. Khi biết con có biểu hiện này, mẹ cần chuẩn bị hành trang cho con ăn dặm nhé.
– Muốn nếm thử mọi thứ
Thêm một dấu hiệu khác cho thấy bé đã sẵn sàng ăn dặm tự chỉ huy đó là con muốn nếm thử mọi thứ trên bàn ăn của cả gia đình. Thậm chí nếu mẹ đưa cho con nếm kịp thời, bé sẽ quấy khóc và đòi ăn
– Con thèm khi thấy người lớn ăn uống
Trẻ con không thể giấu diếm điều gì, nhất là khi đói. Khi thấy người lớn ăn uống, bé thường cảm thấy rất thèm khát. Con chăm chú nhìn từng động tác của người lớn khi ăn, bé há miệng như muốn ăn chúng.
- Mẹo giúp bé ăn dặm tự chỉ huy an toàn
Để đảm bảo an toàn cho con khi ăn dặm tự chỉ huy, mẹ nên áp dụng một số mẹo như sau:
– Người lớn không bật ti vi, điện thoại hoặc vui đùa trong lúc con đang ăn dặm, để tránh trường hợp trẻ bị hóc, nghẹn cổ do thiếu tập trung. Khi trẻ bị hóc thức ăn, cha mẹ nên thực hiện động tác vỗ lưng nhẹ 5 lần giữa 2 xương bả vai của trẻ và khẩn trương đưa trẻ đi bệnh viện để xử lý kịp thời.
– Cho trẻ ngồi ngay ngắn trên bàn ăn dặm, trong không gian yên tĩnh thoáng mát để tạo cho bé thói quen ăn uống nghiêm túc, lành mạnh.
– Không cho bé ăn các loại thực phẩm quá cứng, nhọn hoặc kích thước lớn nhằm hạn chế bé bị hóc hoặc nôn trớ.
– Mẹ thường xuyên giám sát và theo dõi con khi đang ăn dặm tự chỉ huy, nhằm phòng ngừa tình trạng bé bôi bẩn lên mắt mũi và gây nguy hiểm cho sức khoẻ.
– Mẹ không ép con ăn quá nhiều, hãy để trẻ tự ăn theo nhu cầu và sở thích. Có như vậy, bé sẽ cảm thấy hào hứng khám phá đồ ăn trong mỗi lần ăn dặm.
Trên đây là toàn bộ thông tin liên quan đến ăn dặm tự chỉ huy mà mẹ bỉm sữa cần quan tâm. Hy vọng bài viết đã cung cấp nhiều kiến thức hữu ích về vấn đề này. Chúc con ăn dặm ngon miệng và hấp thu tốt chất dinh dưỡng nhé.