Trở thành cha mẹ là một hành trình tuyệt vời nhưng cũng có nghĩa phải đối mặt với những thách thức và học hỏi những điều mới. Không có gì ngạc nhiên khi các bậc cha mẹ mắc sai lầm trong quá trình này.
Cách cha mẹ giáo dục con cái ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình phát triển chúng. Nếu bạn muốn trở thành bậc cha mẹ tốt, hãy tránh những sai lầm khi nuôi dạy con cái sau đây.
Chỉ trích con trước mặt người khác
Cha mẹ thường nghĩ rằng, chỉ có người lớn mới cần thể diện, tự trọng. Tuy nhiên thực tế thì không phải vậy. Trẻ con cũng cần được giữ thể diện, hình ảnh trước mặt người khác, nhất là trước mặt người lạ. Việc đổ lỗi cho trẻ trước mặt người ngoài sẽ khiến trẻ không phục, còn làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn. Hãy đợi khi cảm xúc lắng xuống và tìm chỗ riêng tư để chia sẻ cùng con.
Cấm con thể hiện cảm xúc tiêu cực
Người lớn thường ghét nhìn thấy con mình khóc lóc, tức giận, ném đồ chơi. Vì vậy, cha mẹ thường không kiềm chế được cảm xúc mà la hét hay quát mắng trẻ. Tuy nhiên, thay vì quát và bắt con ngừng khóc, bạn nên cố gắng tìm ra vấn đề nằm ở đâu.
Việc quát mắng trẻ khi trẻ khóc hoặc bực tức là một điều không tốt bởi cảm xúc tiêu cực cần phải được giải tỏa. Đây là nền tảng của sức khỏe tâm lý. Khả năng thể hiện cảm xúc tiêu cực là một điều cần thiết đối với người trưởng thành. Trẻ sẽ cần điều này trong tương lai. Vì thế, hãy để chúng phát triển đúng hướng ngay từ khi còn nhỏ.
Đưa ra những hướng dẫn không rõ ràng
Nhận thức của trẻ vẫn còn rất hạn chế, bởi vậy, những thông điệp mà bạn muốn trẻ, chúng chưa thể hiểu hết toàn bộ. Bạn cần nói chậm, dễ hiểu, có thể hướng dẫn tỉ mỉ, nhẹ nhàng để con hiểu, và để con biết nên làm gì và không nên làm gì.
Ví dụ: nếu con vứt quần áo bừa bãi trên sàn nhà. Thay vì nói: con không được vứt áo trên nền nhà. Bạn hãy dùng cách nói khác, chẳng hạn như: Khi con vào trong nhà, hãy cởi áo khoác và treo nó lên giá. Và để trẻ dễ hiểu và làm theo, bạn hãy làm mẫu cho trẻ. Với cách này, sẽ tránh cho bé sợ hãi, mà bạn vẫn thoải mái, không bị nóng giận.
Không để con mắc lỗi
Chúng ta thường sẽ học được rất nhiều điều từ chính những sai lầm của mình. Khi cha mẹ cố gắng bảo vệ con khỏi những sai lầm, điều đó vô tình cướp đi cơ hội để trẻ đối mặt với hậu quả của những lựa chọn và quyết định. Do đó, khi muốn ngăn cản con làm điều gì, cha mẹ hãy thử nghĩ về những điều xảy ra trong sai lầm này có thể dạy cho con bạn.
Nói nhiều hơn lắng nghe
Khi nói đến việc nuôi dạy con cái, lắng nghe là một trong những kỹ năng quan trọng nhất cha mẹ cần rèn luyện. Đôi khi, cha mẹ luôn vội vàng muốn dạy cho con một bài học khi điều gì đó xảy ra thay vì lắng nghe con nói trước. Trở thành một người cha, người mẹ biết lắng nghe sẽ khiến trẻ cảm thấy được đồng hành và nhận được tình yêu từ cha mẹ.
Đặt câu hỏi khơi gợi vấn đề cho trẻ thay vì dồn dập những câu “Vì sao?”, “Tại sao lại như vậy?”, điều đó sẽ khuyến khích trẻ chia sẻ với cha mẹ về vấn đề chúng gặp phải. Khi có bất kỳ điều gì xảy ra, cha mẹ cũng là người chúng tìm đến để tìm kiếm giải pháp đầu tiên.
Nổi nóng khi trẻ làm sai
La mắng con cái có thể giúp bố mẹ giải tỏa cơn giận, sự thất vọng ngay lúc đó, tuy nhiên nó lại không có lợi ích trong việc giáo dục trẻ nhỏ. Việc này có thể dẫn đến những phản ứng tiêu cực từ phía trẻ.
Do vậy, để con hiểu việc mình làm là sai, cha mẹ cần cố gắng không nói lớn tiếng, hãy nói với giọng bình tĩnh nhất. Cách tốt nhất, bạn nên dành vài phút để thư giãn trước khi nói chuyện với con. Cách làm này không đem lại kết quả nhanh chóng, nhưng qua thời gian, bạn sẽ thấy được sự khách biệt đáng kể đó.
Không để tâm đến việc trò chuyện với con
Trẻ nhỏ luôn cần được lắng nghe và chỉ ra những hướng đi đúng đắn trong cuộc sống. Tuy nhiên do quá bận rộn với công việc, nhiều phụ huynh thường bỏ quên những cơ hội được trò chuyện với trẻ, để trẻ tự chơi và tìm hiểu những điều xung quanh.
Việc để con tự lập là điều tốt cho trẻ nhưng nếu điều này dần trở thành thói quen, trẻ sẽ sống trong thế giới riêng của mình mà không cần lời khuyên hay hướng đi nào từ bố mẹ. Điều này dễ dàng làm trẻ tự cô lập bản thân và bị tự kỷ.
So sánh con mình với những đứa trẻ khác
Hầu như phụ huynh nào cũng mắc phải sai lầm này. Cha mẹ thường lấy hình ảnh “con nhà người ta” ra để làm gương và bắt con cái mình nghe theo. Việc so sánh như vậy là không công bằng với trẻ. Bởi môi trường giáo dục của chúng khác nhau.
Thậm chí nhiều cha mẹ thường so sánh các con mình với nhau. Ví dụ như “Sao con không ngoan như em con nhỉ”, “Tại sao con không xuất sắc được như chị mình?”… Sự so sánh như thế chỉ khiến ngọn lửa ghen tỵ bùng cháy, chúng thậm chí sẽ ghen ghét người anh, người chị hoặc người em của mình. Mối quan hệ của anh chị em trong nhà vì vậy trở nên căng thẳng hơn.
Vậy nên thay vì so sánh với những đứa trẻ khác, bạn nên giải thích những gì bạn muốn con làm, và khi con hoàn thành, hãy khen ngợi chúng để trẻ thêm tự tin.
Phản ứng thái quá khi con mắc lỗi
Các mẹ thường có thói quen cáu gắt, nạt nộ khi con vô tình mắc lỗi và cho rằng mình làm như vậy sẽ giúp các bé nhớ để lần sau không phạm phải nữa. Tuy nhiên, điều này sẽ làm cho các bé cảm thấy tội lỗi và sợ hãi nên sẽ càng khóc to hơn. Nếu tình trạng nạt nộ, cáu gắt con cứ tiếp diễn liên tục và lâu dài, các bé sẽ không còn muốn gần gũi và tâm sự với mẹ nữa. Bên cạnh đó, có một số bạn nhỏ sẽ trở nên lì lợm và bướng bỉnh, có biểu hiện chống đối nếu liên tục bị mắng hay đánh phạt.
Không giữ đúng lời hứa với trẻ
Các bố mẹ đã bao giờ hứa sẽ mua cho bé cái này hoặc làm cho bé cái kia khi bé đạt được những mục tiêu đề ra ban đầu hay chưa? Nếu có thì hãy giữ đúng lời hứa của mình với trẻ. Đối với các bé, lời hứa hẹn thực sự là động lực rất to lớn để quyết tâm làm tốt những việc mà bố mẹ mong muốn. Tuy nhiên khi các bé đã hoàn thành những việc đã đề ra mà bố mẹ không giữ đúng lời hứa sẽ gây ra một cảm giác thất vọng. Lâu dần, các bé sẽ không còn tin vào những lời hứa, khoảng cách với bố mẹ cũng ngày càng cách xa và đặc biệt khi lớn lên, trẻ có thể hình thành thói quen hứa lèo hoặc nói dối của bố mẹ.
Phê phán tật mách lẻo của con
Không ít bố mẹ cảm thấy phiền khi các bé đụng 1 tí là mách lẻo, bạn này lấy cái này của con, bạn kia đánh con, không cho con chơi cùng,….Đặc biệt là sau một ngày làm việc vất vả, nếu phải liên tục nghe những chuyện này bên tai, các bố mẹ thậm chí còn cảm thấy khó chịu và dễ cáu với con. Chính vì vậy, nhiều bố mẹ thường phê phán tật mách lẻo của con mình. Tuy nhiên nếu các bé không nói chuyện, bố mẹ có thể sẽ không biết được điều gì ngay cả khi chúng bị bắt nạt, lạm dụng hoặc xâm hại.
Bắt con phải chia sẻ đồ chơi với người khác
Bố mẹ thường bắt con chia sẻ đồ chơi với các bạn khác hoặc nhường cho em. Tuy nhiên nếu đặt mình vào vị trí của con, bố mẹ sẽ thấy việc chia sẻ món đồ mình thích cho ai đó không phải là chuyện dễ chịu. Thay vì bắt các bé phải chia sẻ đồ chơi với bạn bè hoặc anh chị em, hãy thỏa thuận và phân chia đồ chơi trước cho bé. Hãy hỏi mượn đồ chơi của bé thay vì bắt các bé phải nhường nhịn.